Ứng dụng Hi1Trải nghiệm mua sắm trực tuyến

Thị trường phụ kiện di động: Khu vực Đông Nam Á còn nhiều dư địa phát triển, thu hút cả doanh nghiệp lớn Việt Nam mở cửa hàng riêng

Mới đây, trên sóng chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 5 đã xuất hiện một startup khiến Shark Phú phải nói rằng: “Tiền không quan trọng, thiếu đâu anh lo”.

Cụ thể, Velasboost - một nhà sản xuất phụ kiện công nghệ Việt Nam, chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ cho hệ sinh thái của smartphone và máy tính cùng founder Lê Hải Vũ đã kêu gọi đầu tư 4,5 tỷ đồng cho 15% cổ phần công ty.

Sau quá trình thương thảo, anh Vũ cùng startup Velasboost đã chấp nhận lời đề nghị đầu tư trị giá 6 tỷ đồng cho 50% cổ phần của Shark Phú. Chính màn chốt deal thành công của Valasboost cùng Shark Phú đã khiến nhiều người dành sự quan tâm hơn tới thị trường đồ phụ kiện điện thoại và công nghệ.

Ông Lê Vũ Hải, founder startup Velasboost. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Thị trường giá trị hàng trăm tỷ USD

Nhìn một cách rộng hơn, thị trường đồ phụ kiện công nghệ trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông đang phát triển qua từng năm. Theo báo cáo của Allied Market Research, thị trường đồ phụ kiện công nghệ đạt giá trị 117,8 tỷ USD vào năm 2019, dự kiến đạt tổng giá trị 154,8 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 3,6% trong giai đoạn trên.

Ngày nay, điện thoại di động gần như là một vật không thể thiếu với bất kỳ cá nhân nào. Vai trò của điện thoại di động ngày càng lớn. Chính điều này đã giúp thị trường phụ kiện điện thoại và công nghệ ngày càng phát triển. Mọi người có xu hướng sử dụng các phụ kiện điện thoại như tai nghe, sạc, ốp lưng, kính cường lực,… vừa để làm tăng giá trị sản phẩm, vừa giúp bảo vệ điện thoại khỏi hư hỏng.

Dự kiến giá trị thị trường phụ kiện cho riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2022 - 2029. (Nguồn: Data Bridge Market Research).

Theo xu hướng thị trường phụ kiện điện thoại di động, các thương hiệu Mỹ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu Châu Á như Samsung, Sony và LG. Ví dụ, thiết bị tai nghe thực tế ảo của Samsung đang đặt ra một cuộc cạnh tranh gay gắt với Oculus Rift có trụ sở tại Mỹ.

Ngoài ra, một số thương hiệu châu Á khác như BBK Electronics, Huawei và Xiaomi đã thâm nhập đáng kể vào thị trường toàn cầu. Xu hướng này chủ yếu xuất hiện do sự phát triển của ngành thương mại điện tử, qua đó kết nối thị trường toàn cầu, giúp các phụ kiện điện thoại di động giá cả vừa phải hơn, có thể tiếp cận với nhiều tầng lớp.

Nhu cầu về phụ kiện không dây gia tăng thúc đẩy tăng trưởng thị trường phụ kiện điện thoại di động Châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông. Sự gia tăng nhu cầu này là do sự thay đổi trong sở thích nghe nhạc của khách hàng trên các thiết bị di động, chẳng hạn như điện thoại thông minh và máy tính bảng. Ngày nay, người dùng có thể dễ dàng nghe nhạc thông qua các nền tảng phát trực tuyến nhạc, chẳng hạn như Spotify, YouTube và SoundCloud.

Nhu cầu về phụ kiện điện thoại tăng một phần cũng nhờ vào việc thu nhập của người dân được cải thiện và sự phổ biến của các trang mạng xã hội ở các khu vực thành thị. Ngoài ra, tỷ lệ thâm nhập internet tăng cũng thúc đẩy nền tảng bán lẻ trực tuyến.

Các yếu tố như nhu cầu về phụ kiện không dây thông minh tăng lên, những tiến bộ mới nổi trong phụ kiện chơi game và những tiến bộ công nghệ trong OTG và thiết bị đính kèm không dây đnag thúc đẩy tăng trưởng thị trường phụ kiện điện thoại di động Châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông.

Các kênh phân phối offline dự kiến vẫn chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường phụ kiện điện thoại. (Nguồn: Allied Market Research).

Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển của thị trường, cũng tồn tại một số mặt trái, trong đó đặc biệt là vấn nạn hàng giả và chiến tranh thương mại giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, mạng lưới phân phối mạnh mẽ và những tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực hình ảnh và phụ kiện chụp ảnh được kỳ vọng sẽ mang đến cơ hội sinh lợi cho sự tăng trưởng thị trường phụ kiện điện thoại di động Châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông.

Tính riêng tại khu vực Đông Nam Á, thị trường phụ kiện điện thoại nói riêng hay ngành sản phẩm công nghệ nói chung chưa đạt đến mức bão hòa bởi tỷ lệ thâm nhập internet chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn, qua đó để lại tiềm năng tăng trưởng cho các khu vực ngoại thành và nông thôn.

Các doanh nghiệp lớn quan tâm, thậm chí mở riêng cửa hàng chỉ để bán phụ kiện 

Trên sóng chương trình Shark Tank Việt Nam, ông Lê Vũ Hải đã dẫn số liệu thống kê từ Research & Market cho biết trong hai năm gần đây, khoảng 17 – 18 triệu smartphone đã được bán ra tại Việt Nam, qua đó đưa nước ta trở thành một trong 10 thị trường smartphone có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Chính điều này có thể trở thành một yếu tố có tác động tích cực tới thị trường đồ phụ kiện điện thoại trong nước.

“Bây giờ nhu cầu không phải là muốn hay không muốn mua mà bắt buộc phải mua. Vì không mua thì không có gì để sạc máy và không có tai nghe sử dụng”, Hải Vũ nhận định khi nói về xu hướng loại bỏ dần sạc và phụ kiện của các hãng sản xuất điện thoại.

Hiện tại, trên thị trường di động Việt Nam, rất nhiều đơn vị lớn như FPT Shop, CellphoneS, Thế Giới Di Động,… đều đang bán các sản phẩm phụ kiện cho smartphone cũng như các phụ kiện công nghệ khác.

Chẳng hạn, khi người dùng truy cập vào trang web của CellphoneS, trên trang chủ hiện ra một mục có hẳn tên là “Phụ kiện”. Điều đó chứng tỏ rằng các doanh nghiệp bán lẻ công nghệ cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho thị trường này.

Bên trong cửa hàng bán phụ kiện của Thế Giới Di Động. (Ảnh: Vietnamnet).

Thậm chí, ngay tháng 6 vừa qua, thông tin trên tờ Vietnamnet cho hay, một cửa hàng chỉ bán phụ kiện phục vụ smartphone, laptop,… có diện tích lớn vừa được khai trương tại TP HCM. Ông chủ đứng sau cửa hàng này là cái tên quen thuộc: Thế Giới Di Động (CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động, mã: MWG).

Phía MWG xác nhận thông tin trên và cho biết đây không phải là một thử nghiệm, cửa hàng đã mở bán chính thức. Cửa hàng này sẽ kinh doanh tất cả các sản phẩm từ phụ kiện điện thoại, máy tính bảng đến phụ kiện máy tính, phụ kiện nhà thông minh,... của các thương hiệu nổi tiếng như Apple, Sony, Belkin, Logitech,...

Ngoài ra, trên thị trường hiện tại còn rất nhiều những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, cũng tập trung nhiều vào các sản phẩm phụ kiện điện thoại và phụ kiện công nghệ, dự kiến sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh trên thị trường sản phẩm phụ kiện công nghệ tại Việt Nam trong những năm tới.